Học tiếng Trung giao tiếp cơ bản không chỉ là một kỹ năng hữu ích mà còn là một cánh cửa mở ra thế giới văn hóa đa dạng của Trung Quốc. Với sự phát triển kinh tế và văn hóa của Trung Quốc, việc hiểu và sử dụng tiếng Trung sẽ mang lại nhiều lợi ích cho bạn trong cuộc sống hàng ngày và cả trong sự nghiệp. Dưới đây là 10 bước cơ bản để bạn tự học tiếng Trung giao tiếp một cách hiệu quả và tự tin.
Xác định rõ mục đích học tiếng Trung
Nhiều bạn học tiếng Trung chỉ vì hứng thú nhất thời, cho nên trong quá trình học hễ gặp khó khăn liền bỏ cuộc giữa chừng. Có thể nói phát âm và chữ Hán là khó khăn mà nhiều người học đều gặp phải. Nếu bạn không có một mục tiêu rõ ràng thì sẽ khó quyết định nên theo học lộ trình như thế nào, cách học nào thì phù hợp. Dần dần tự bạn sẽ cảm thấy chản nản và muốn từ bỏ. Vì thế hãy tìm cho mình một mục tiêu học tiếng trung cụ thể như:
- Học tiếng Trung để thi chứng chỉ HSK, xin học bổng đi du học Trung Quốc.
HSK là tên viết tắt của Hanyu Shuiping Kaoshi (汉语水平考试) tạm dịch là kì thi năng lực tiếng Trung. Kì thi HSK là kỳ thi chuẩn hóa quốc tế, đánh giá khả năng sử dụng tiếng Trung của các thí sinh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ để giao tiếp trong cuộc sống, học tập và làm việc.
- Học tiếng Trung để có thêm lợi thế ngoại ngữ khi đi xin việc hay tìm công việc mới tốt hơn.
- Học tiếng Trung để phục vụ cho công việc của mình: đàm phán với đối tác Trung Quốc, mua bán giao thương, làm việc với khách hàng Trung Quốc…
- Học tiếng Trung để đi du lịch, tìm hiểu về các danh lam thắng cảnh của Trung Quốc.
- Học tiếng Trung vì yêu thích ngôn ngữ, đất nước, văn hóa và con người Trung Hoa.
Khi bạn học tiếng Trung với mục tiêu cụ thể thì lộ trình học, chương trình học đều xoay quanh mục tiêu đó. Như vậy không chỉ giáo viên biết cách làm thế nào giúp bạn sớm đạt được nguyện vọng mà chính bản thân bạn cũng sẽ nhìn nhận rõ hơn về kiến thức mình cần học, loại bỏ những nội dung không cần thiết để tiết kiệm thời gian. Mặt khác tăng thêm động lực học tập giúp bạn kiên trì đạt đến thành công.
Tìm kiếm cộng đồng học tiếng Trung
Học tập sẽ trở nên dễ dàng và thú vị hơn nếu bạn có người đồng hành hoặc giúp đỡ khi gặp khó khăn. Hãy tìm cho mình “những người bạn đồng hành tiếng Trung” bằng cách như:
Lên mạng xin kinh nghiệm học tiếng Trung, tìm hiểu khó khăn của người mới học để chuẩn bị tinh thần vượt qua mọi khó khăn trong học tập, lắng nghe và tổng hợp những ý kiến hay, sau đó chọn ra cách học phù hợp với bản thân. Ngoài ra bạn nên tham gia vào các nhóm học tiếng Trung và tích cực thảo luận, học tập lẫn nhau để xây dựng thêm sự yêu thích với việc học. Bạn cũng có thể theo học tại một trung tâm đào tạo tiếng Trung uy tín và xây dựng cho bản thân một lộ trình học hợp lý.
Chọn giáo trình phù hợp
Dưới đây LABCO xin giới thiệu đến các bạn một vài đầu sách chuẩn được nhiều người theo học:
- Giáo trình Hán Ngữ: Bộ giáo trình hán ngữ gồm 6 quyển, kiến thức phân chia theo mức độ tăng dần, vì thế rất thích hợp cho người mới học. Khi học theo giáo trình này, bạn sẽ có một lượng kiến thức tương đối cơ bản cả về ngữ pháp và từ vựng.
- Giáo trình HSK: Bộ giáo trình này cũng có 6 quyển, mang tính học thuật và chuyên sâu. Học giáo trình HSK không những giúp bạn tăng từ vựng nhanh chóng, nắm vững ngữ pháp để tự tin đi thi lấy chứng chỉ HSK điểm cao mà còn cung cấp nhiều mẫu câu hay, giúp bạn phong phú cách diễn đạt khi nói.
- Giáo trình 301: Là giáo trình dành cho các bạn không có nhiều thời gian, tập trung giúp bạn rèn luyện phản xạ nghe nói trong tình huống cụ thể hằng ngày, giúp bạn nhanh chóng thành thạo nghe nói tiếng trung nhanh nhất.
- Giáo trình Boya: Bộ giáo trình này chú trọng vào ngữ pháp, lượng từ vựng lớn, hội thoại dài, nhiều bài tập để luyện. Đây là một giáo trình gói gọn nhiều kiến thức lại, do đó kiến thức học khá nặng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo các loại sách khác để nâng cao trình độ tiếng Trung của mình như 3000 câu giao tiếp cơ bản, Từ điển thành ngữ tiếng Trung…
Học phát âm tiếng Trung
Học phát âm chính là học bảng chữ cái tiếng Trung (phiên âm Pinyin). Hệ thống phiên âm tiếng Trung bao gồm:
- 21 thanh mẫu (giống phụ âm đầu trong tiếng Việt)
- 36 vận mẫu (giống phần vần trong tiếng Việt)
- 4 thanh điệu cơ bản và 1 thanh nhẹ (giống các dấu trong tiếng Việt)
Ví dụ: Mỗi ngôn ngữ sẽ có cách phát âm mang nét đặc trưng riêng của mình, tiếng Trung cũng không ngoại lệ. Đối với người Việt Nam chúng ta, khi mới học cần phân biệt rõ sự khác nhau giữa âm bật hơi với âm không bật hơi, ví dụ như “j với q ; z với c ; s với sh; zh với ch”, cũng phải chú ý đọc chuẩn các âm uốn lưỡi như “zh, ch, sh, r”. Ngoài ra tiếng Trung cũng có quy tắc biến dấu phức tạp như biến điệu của “bù”, “yī”, các thanh 3 đứng cạnh nhau… Đặc biệt, bạn đừng nhầm thanh 4 của tiếng Trung với dấu huyền của tiếng Việt nhé.
Khi gặp khó khăn trong việc phát âm chuẩn, cách tốt nhất là chúng ta hãy nhờ người có chuyên môn cao như thầy cô, anh chị khóa trên hoặc bạn bè giỏi tiếng Trung chỉnh sửa giúp. Nhưng quan trọng nhất vẫn là sự cố gắng của chính bản thân các bạn. Hãy kiên trì luyện tập, chỉ sau một thời gian bạn sẽ thấy phát âm của mình chuẩn hơn nhiều đấy.
Học viết tiếng Trung
Nếu bạn muốn học tiếng Trung một cách bài bản để thi chứng chỉ HSK hay dùng tiếng Trung làm việc, thì một kiến thức vô cùng quan trọng là học viết tiếng Trung. Đó là quy tắc viết chữ hán và cách viết chữ hán đẹp. Tiếng Trung gồm 8 nét cơ bản và 9 quy tắc chính.
8 nét cơ bản trong tiếng Trung
Nét ngang | Nét thẳng ngang, kéo từ trái sang phải. | |
Nét sổ thẳng | Nét thẳng đứng, kéo từ trên xuống dưới. | |
Nét phẩy | Nét cong, kéo xuống từ phải qua trái. | |
Nét mác | Nét cong, kéo xuống từ trái qua phải. | |
Nét hất | Nét thẳng, đi lên từ trái sang phải. | |
Nét ngang gập | Nét ngang kết hợp với nét sổ, nhưng bị gập lại. | |
Nét móc | Nét ngang móc ở cuối nét. | |
Nét chấm | Một dấu chấm từ trên xuống dưới. |
Quy tắc viết tiếng Trung
- Ngang trước Sổ sau
- Phẩy trước Mác sau
- Từ Trái qua Phải
- Giữa trước 2 bên sau
- Trên trước dưới sau
- Ngoài trước, trong sau
- Vào nhà trước, đóng cửa sau
- Bộ 辶 và 廴 viết sau cùng
- Viết nét chấm nhỏ sau cùng
Tích lũy từ vựng, ngữ pháp
Để thông thạo một ngoại ngữ thì bạn cần tích lũy một lượng từ vựng và ngữ pháp đủ để giao tiếp và sử dụng cho các tình huống hằng ngày. Trong đó có khoảng 3000 từ vựng và 200 cấu trúc cơ bản.
Học hội thoại giao tiếp cơ bản
Để nhanh chóng nghe nói lưu loát tiếng Trung, bạn hãy rèn luyện phản xạ giao tiếp qua các bài hội thoại đặt trong tình huống cụ thể. Nếu chọn học cách này, tin rằng bạn sẽ tích lũy nhanh nhất những kiến thức cơ bản để cải thiện khả năng giao tiếp của mình.
Học nghe nói tiếng Trung mọi nơi, mọi thời điểm
Dù học tiếng Trung hay bất kỳ một ngôn ngữ nào, bạn cần phải cực kì chăm chỉ trau dồi kiến thức, không ngừng luyện tập cả 4 kỹ năng, đặc biệt cần chú trọng 2 kỹ năng Nghe – Nói.
Vậy làm sao để luyện tập hai kĩ năng này hiệu quả nhất?
- Xem phim, nghe nhạc tiếng Trung: Đây là phương pháp vừa dễ áp dụng lại khá hiệu quả. Nếu bạn là 1 fan phim Trung Quốc thì đây chính là phương pháp tuyệt vời cho bạn. Việc xem phim, nghe nhạc sẽ cải thiện kĩ năng nghe của bạn một cách đáng kể, đồng thời bạn cũng sẽ tích lũy thêm vốn từ cho bản thân.
- Tìm người Trung Quốc để học: Đối với người học ngoại ngữ nói chung và người học tiếng Trung nói riêng, môi trường giao tiếp là một trong những điều kiện tiên quyết để học tốt tiếng Trung. Khi bạn giao lưu nhiều với người Trung, kĩ năng nói và nghe của bạn sẽ nâng cao. Giao lưu với người Trung Quốc một cách thường xuyên sẽ hiệu quả hơn việc bạn bỏ từ mới ra học một cách khuôn mẫu.
Tìm hiểu các phần mềm học tiếng Trung
Hiện nay có rất nhiều ứng dụng tự học tiếng Trung hiệu quả, và công cụ trực tuyến hỗ trợ cho người mới học tiếng Trung từ đầu như:
- Các ứng dụng gõ chữ trên máy tính
- Phần mềm gõ, viết tiếng Trung QQ Pinyin
- Phần mềm gõ viết tiếng Trung Sogou Pinyin
- Phần mềm hướng dẫn viết chữ hán Chinese Writing Master 4.0
- Các ứng dụng học tiếng Trung trên điện thoại
- Hello Chinese
- Duolingo
- Chinese Skill
- Pandarow
- Các ứng dụng từ điển tiếng Trung
- CVEDict
- Từ điển tiếng Trung Lạc Việt MTD10
- Từ điển Trung Việt
Luyện tập hàng ngày
Sắm một quyển vở ô ly và bút có ngòi mềm để tập viết chữ hằng ngày. Tiếng Trung Quốc có đặc điểm là chữ viết đều giới hạn trong một ô vuông nhất định, hơn nữa các nét trong tiếng Trung thường là nét thẳng, vì vậy luyện viết trong giấy ô ly sẽ rèn cho chúng ta viết đúng cự li, đúng bố cục của chữ. Bên cạnh đó việc dùng bút mềm, đặc biệt là bút ngòi thanh đậm sẽ giúp ta viết đúng nét hơn.
Tận dụng tối đa thời gian rảnh để học. Trên thực tế, đa phần người đi làm sẽ khó có thể dành ra nhiều thời gian để ngồi học tiếng Trung mỗi ngày. Vậy nên, thay vì ngồi học những buổi học dài mệt mỏi, hãy tận dụng tất cả các thời gian rảnh rỗi để học.
Các bạn có thể tận dụng thời gian rảnh rỗi vào mỗi buổi sáng: Hãy bật những bản tin, một vài bản nhạc hoặc radio tiếng Trung ngay khi thức dậy. Điều này sẽ giúp bạn làm quen với ngôn ngữ một cách rất nhẹ nhàng. Khi tiếng Trung đi vào não bạn một cách tự nhiên như vậy, có thể ngày một ngày hai bạn chưa hiểu hết nội dung, nhưng khi nghe nhiều rồi, thì bạn sẽ cảm nhận được ngữ điệu và đoán được ý nghĩa bên trong đó.
Với sự phát triển của các trang mạng xã hội, chúng ta có thể lãng phí thời gian vào những việc vô bổ như lướt Facebook, chơi game. Lúc này bạn cần nhắc nhở bản thân tập trung học tập, hãy dành thời gian quý giá của mình để lên xem các diễn đàn xã hội của Trung Quốc, đọc sách tiếng Trung, học câu hội thoại trên các nhóm học tiếng Trung. Đây cũng là một cách học từ vựng rất hiệu quả.
Tự tìm cách nhớ từ mới và ngữ pháp. Không chỉ tiếng Anh mới có Flashcard! Flashcard là một hình thức học từ vựng vô cùng hiệu quả. Bằng việc sử dụng các mẩu giấy nhỏ để viết từ mới vào một mặt, mặt còn lại để ghi ý nghĩa và kèm theo ví dụ. Với cách này chúng ta có thể dễ dàng ôn tập lại các từ mới đã học.
Biên tập viên
Bài mới
- Tin tức23 Tháng mười một, 2024TOCFL: Chìa khóa mở ra cánh cửa việc làm tại Đài Loan
- Chứng chỉ TOCFL23 Tháng mười một, 2024Người đi làm: Tại sao nên có chứng chỉ TOCFL?
- Chứng chỉ TOCFL23 Tháng mười một, 2024Sinh viên muốn du học Đài Loan: Nên thi TOCFL cấp độ nào?
- Chữ Hán phồn thể23 Tháng mười một, 2024Bí mật đằng sau những con chữ: Khám phá vẻ đẹp của chữ Hán phồn thể